NHÂN NGÀY GIỖ TỔ NHẮC VỀ NGUỒN CỘI.

Có nhiều người cho rằng văn hóa Việt Nam bị ảnh hưởng ít nhiều bởi văn hóa Trung Quốc, điều này thì khó mà chối bỏ bởi lịch sử bị đô hộ hàng ngàn năm của đất nước. Nhưng bảo rằng Văn hóa Việt Nam ta bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc thì lại là điều sai lầm hoàn toàn.


 Theo Đại Việt Sử Ký Toàn thư của sử gia đời Trần là Lê Văn Hưu, sau được Ngô Sĩ Liên biên soạn lại thì nước ta dựng nước từ thời họ Hồng Bàng, vị vua đầu tiên là Kinh Dương Vương vào năm Nhâm Tuất, tức 2879 trước Công Nguyên. Chính cổ sử của Trung Quốc cũng đã viết: “Vào Thời vua Nghiêu (chúng ta thường nghe câu Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang là 4 vị vua lập quốc của Trung Quốc) có vị sứ giả Việt Thường (Bách Việt, Việt cổ) đến kinh đô tại Bình Dương (tỉnh Sơn Tây – Trung Quốc ngày nay) để dâng 2 con thần quy (rùa lớn) vuông hơn 3 thước (khoảng 75cm) trên lưng có khắc chữ khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở trở về sau. Vua Nghiêu sai người chép lại, gọi là Lịch Rùa”

 Dựa vào cổ sử của Trung Quốc, chúng ta có thể thấy lại một giả thuyết khi đi tìm lại nguồn gốc của lịch, cùng hệ Can Chi, cũng như nguồn gốc của Hà Đồ - Lạc Thư trong Kinh Dịch cổ mà chính các học giả Trung Quốc từ xưa đến nay đã viết và chú giải rất nhiều nhưng đều không biết nguồn gốc của chúng từ đâu đến. Chữ khoa đẩu mà người Trung Quốc gọi chính là loại chữ của nền văn minh Việt Cổ đã bị thất truyền (dấu tích còn được ghi lại trên nhiều tảng đá ở Sa Pa).

 Ngay tên Kinh Dương Vương, vị vua thời lập quốc của người Việt cổ đã mang dấu ấn là vị Vua của 2 châu lớn và phát triển nhất trong 9 châu mà Kinh Thư cổ của Trung Quốc đã ghi lại, đó là Ký, Duyện, Thanh, Tứ, Kinh, Dương, Dự, Lương, Ung. Sách đó còn ghi rõ cả sản vật quý hiếm ở 2 châu Kinh và Dương của người Việt cổ là vàng, bạc, đồng và những dụng cụ bằng kim loại khác, chứng tỏ việc chế tác kim loại đã xảy ra từ rất sớm. Rõ ràng là dân tộc Việt ở hai châu Kinh và Dương xưa đã rất phát triển. Hai bộ tộc lớn và phát triển nhất của dân Việt cổ là bộ tộc Âu Việt và bộ tộc Lạc Việt (sau này kết hợp lại thành ra nước Âu Lạc của chúng ta).

 Nền lịch toán Việt cổ đã dựa trên 5 con số đầu tiên của hệ số đếm 10. Họ đã sáng tạo ra hệ tọa độ không gian 5 hướng (4 hướng ngoại vi và hướng gốc trung tâm) ứng với 5 sắc, 5 hành (KIM, MỘC, THỦY, THỔ, HỎA) cũng là 5 ngón tay, 5 ngón chân. Họ đã coi 2 số ở trung tâm là 2 số gốc, cao quý nhất, gọi là số Hoàng cực, dành cho vua Hùng, người có công dựng nước. Vì vậy mới lấy ngày giỗ tổ là 10 tháng 5 (tức tháng Thìn là con rồng) của lịch Kiến Tý (lấy tháng giêng làm tháng Tý). Sau lịch Kiến Tý bị đổi sang lịch Trung Quốc là lịch Kiến Dần (lấy tháng giêng làm tháng Dần) ngày 10 tháng 5 trở thành ngày 10 tháng 3.

 Xuất xứ của hệ Can Chi cũng có nguồn gốc từ nền văn minh nông nghiệp phương Nam, nó xuất phát từ việc chia ngày đêm ra 12 giai đoạn bằng nhau, dự vào sự quan sát tinh tế các tập tính của những con vật. Khởi đầu là giữa đêm, từ 23h đêm đến 1h sáng, là giờ chuột phá, nên gọi là giờ Tý. 1h đến 3h là giờ trâu thức giấc nhai cỏ nên gọi là Sửu. 3-5h là giờ Dần, không nên đi săn Hổ vì lúc đó nó đã về hang. 5-7h giờ Mão là giờ mèo nghỉ, không săn chuột nữa. 7-9h là giờ Thìn, lúc con người thoải mái nhất, năng lượng tốt nhất nên gán cho loài Rồng cao quí. 9-11h giờ Tỵ là giờ rắn ẩn mình. 11h-13h giờ Ngọ là giờ ngựa nghỉ. 13-15h giờ Mùi là giờ cho dê ăn. 15-17h giờ Thân là giờ bầy khỉ theo đàn trở về. 17-19h giờ Dậu là giờ gà lên chuồng. 19-21h giờ Tuất là giờ hoạt động sủa nhiều của chó. 21-23h giờ Hợi là giờ ngủ yên của heo.

 Một học giả phương Tây đã nói :”Dân tộc nào đã tồn tại lâu dài nhất ắt có một nền văn hóa sâu sắc nhất”. Nền văn hóa sâu sắc nhất cũng là nền văn hóa bám rễ vũng chắc nhất trong bản thân từng con người của dân tộc đó.

 Nền văn minh nông nghiệp phương Nam mang nặng tính chất hòa bình và nhân bản đã tạo cho tâm hồn người Việt tính bao dung và khoan hòa lớn. Điều này đã được Khổng Tử nói rõ khi trả lời học trò là Tử Lộ, khi Tử Lộ hỏi thầy về cái mạnh. Khổng Tử nói :”Hỏi về cái mạnh của phương Nam ư? Hay cái mạnh của phương Bắc ư? Khoan hòa, mềm mại để dạy người, không báo thù kẻ vô đạo, ấy là cái mạnh của người phương Nam, người quân tử ở vào phía ấy. Xông pha gươm giáo, dấu chết không màng, ấy là cái mạnh của người phương Bắc, kẻ mạnh ở vào phía ấy (Trung Dung).

 Thấy trước cái thế sẽ bị thôn tính, tổ tiên ta đã đoán trước sự mất nước của nòi giống sẽ lôi kéo theo sự phá hủy của cả một nền văn minh. Để duy trì nền văn minh cho con cháu sau này, tổ tiên ta đã dùng con rùa (con vật sống lâu nhất) để ghi khắc ký hiệu của một nền văn minh trên lưng nó, rồi đem thả xuống sông với hy vọng mai sau khi con cháu phải xuôi nam sinh sống sẽ gặp được vết tính nền văn minh Lạc Việt, hầu khôi phục dân tộc. Từ đó những nơi nào tập trung dòng giống Lạc Việt trước các đình chùa đền miếu, lăng tẩm đều hay dựng bức bình phong hình con rùa đội cuốn sách (Hà Đồ chỉ con rùa và Lạc Thư chỉ cuốn sách).

 Khi các bộ tộc du mục người Hoa từ phía bắc tràn xuống, nền văn minh nông nghiệp lâu đời của dân tộc Việt thiên về hòa bình đã không chống cự nổi những bộ tộc thiện chiến phía bắc, lấy giết chóc và bạo tàn làm phương tiện. Câu chuyện về Lạc Long Quân cùng vợ là Âu Cơ phải chia tay có lẽ là để diễn tả cuộc di dân khổng lồ về phương nam để bảo vệ nòi giống.

 Ở giai đoạn này, hướng bành trước của người Hán là từ bắc xuống nam, đến thời kỳ Tần Hán thì Trung Quốc đã trở thành một đế quốc rộng lớn. Thời kỳ “Nam tiến” này để lại dấu vết trong những cách nói của người Trung Hoa như “Kim chỉ nam” , “Thiên tử ngồi trông về hướng nam mà cai trị thiên hạ”. Cùng với sự bành trướng về phương nam, văn hóa phương bắc đã hấp thụ tinh hoa văn hóa nông nghiệp phương Nam, nhanh chóng hệ thống hóa, quy phạm hóa để phát triển thành văn hóa Trung Hoa rực rỡ, đến lượt mình lại phát huy ảnh hưởng ngược lại các dân tộc khác.

 Chính sách hủy diệt các nền văn hóa bị trị để dễ dàng đồng hóa dân bản địa còn duy trì và kéo dài suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm đi theo những cuộc chiến hết sức tàn bạo. Như hồi Mã Viện sang đánh Hai Bà Trưng, khi thắng trận y đã cho thu hồi hết những trống đồng của nền văn hóa Văn Lang và Âu Lạc đem đúc thành đồng thỏi mang về. Sau này những lần sang xâm lược đất nước Việt phương nam, được hay thua họ đều tàn phá hết những công trình xây dựng của các thời đại, thu hồi hết sách vở do các học giả người Việt viết, đem đốt sạch. Họ còn lùng bắt cả các nhân tài của đất nước cùng những thợ thuyền giỏi tay nghề đem về. Với chính sách đó thì chữ khoa đẩu của người Việt cổ và có thể cả chữ tượng hình sơ khai của thời Văn Lang, Âu Lạc sau ngàn năm đô hộ đã bị xóa sạch là điều tất yếu. 

 Chữ Hán cổ được được phát triển trên cơ sở chữ tượng hình, nhiều nhà nghiên cứu về chữ Hán cổ cho rằng, nhiều chữ có xuất xứ từ phương Nam, nhiều từ khác là hình tượng các sản vật phương nam.

Thông tin liên quan